Công cụ đo diện tích đất
- Chuẩn bị thước đo, thước cuộn chuyên dụng đo đất có đơn vị đo là mét hoặc inch.
- Dụng cụ hỗ trợ ghi lại kích thước đất và tính toán diện tích: máy tính, sổ sách hoặc máy móc đo đạc đất chuyên dụng.
Lưu ý khi đo đạc để đảm bảo tính chính xác
- Khi đo chiều dài mảnh đất, cho kết quả số đo kèm số lẻ thì không được phép làm tròn và ghi đầy đủ phần số lẻ.
- Chiều rộng nên được đo theo phương hợp với chiều dài ở một góc 90 độ, giống như hai cạnh kề nhau của hình chữ nhật hay hình vuông trong toán học và có thể làm tròn đơn vị đến centimet mà không nhất thiết phải thêm chữ số thập phân hoặc milimet.
- Với mảnh đất có kích thước lớn không đo hết cạnh trong một lần, hãy chia thành từng đoạn nhỏ và đo đạc sau đó cộng lại để ra kích thước mảnh đất.
- Trong công tác đo lường luôn có sai số, để hạn chế sai số tối đa bạn nên đo nhiều lần, ghi lại đầy đủ các thông số, kết quả cuối cùng sẽ được tính bằng cách lấy trung bình cộng của những lần đo trước.
Hình minh họa
Sau khi đã đo được thông số chiều dài, chiều rộng của mảnh đất, tùy theo hình dạng của mảnh đất, bạn có thể sử dụng những công thức sau để tính diện tích của mảnh đất:
- Với mảnh đất hình chữ nhật, hình vuông thì Diện tích S = chiều dài x chiều rộng
- Với mảnh đất hình tam giác vuông thì Diện tích S = (chiều dài x chiều rộng) : 2
- Với mảnh đất hình thang thì Diện tích S = [(chiều dài + chiều rộng) : 2] x chiều cao
- Với những mảnh đất có hình dạng phức tạp, bạn có thể phác thảo sơ bộ hình dáng của thửa đất lên giấy. Sau đó, chia nhỏ thành các hình dạng phổ biến như hình chữ nhật, hình vuông, hình tam giác, áp dụng công thức và cộng lại sẽ ra diện tích của mảnh đất.
Làm thế nào khi diện tích đất thực tế khác trên sổ đỏ?
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An cho biết, trường hợp diện tích đất thực tế khác trên sổ đỏ được quy định tại khoản 5 Điều 98, Luật Đất đai 2013 về nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là Giấy chứng nhận). Cụ thể:
- Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có.
-Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 99 của Luật này.
Như vậy, nếu phát hiện diện tích đất sai lệch với thông tin trong Giấy chứng nhận thì bạn có thể đề nghị đăng ký biến động cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sẳn khác gắn liền với đất mà không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có.
Thủ tục đính chính sổ đỏ khi bị sai diện tích đất
- Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót cho Văn phòng đăng ký đất đai để đính chính. Trường hợp sai sót do lỗi của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải có đơn đề nghị để được đính chính.
- Trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai phát hiện Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót thì thông báo cho người sử dụng đất biết và yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp để thực hiện đính chính.
Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đính chính Giấy chứng nhận đã cấp gồm có:
- Đơn đề nghị đính chính đối với trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản phát hiện sai sót trên Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
Theo Cafeland
0 Comment
more_vert